Giáo dục Công ty Đông Ấn cai trị Ấn Độ

Các quan chức của Công ty Đông Ấn quan tâm đến vấn đề giáo dục người Ấn Độ ngay từ khi họ bắt đầu cai trị tại Bengal.[82] Trong hai thập niên cuối thế kỷ 18 và thập niên đầu thế kỷ 19, các quan chức Công ty theo đuổi chính sách hòa giải với văn hóa bản địa, đặc biệt là trong chính sách giáo dục.[82] Đến thế kỷ 19, tỷ lệ biết chữ của người Ấn Độ được đồn đại là chưa bằng một nửa so với mức 18,33% của năm 1951. Cihính sách này nhằm hỗ trợ ba mục tiêu: "để bảo trợ cho nền văn hóa của chính người Ấn Độ, nâng cao kiến thức về Ấn Độ, và sử dụng kiến thức đó trong chính phủ".[82]

Một số nhà quản trị như Warren Hastings ủng hộ mục tiêu thứ nhất, ông dự tính để Công ty là bên kế thừa một đế chế vĩ đại, và cho rằng việc ủng hộ học tiếng bản địa phù hợp với vai trò đó. Năm 1781, Hastings thành lập Madrasa 'Aliya tại Calcutta để nghiên cứu các ngôn ngữ Ả RậpBa Tư, cùng luật Hồi giáo. Vài thập niên sau, dân chúng bản địa có quan điểm tương đồng, được nhà cải cách bảo thủ người Bengal là Radhakanta Deb bày tỏ là "Những nhà cai trị quốc gia có nghĩa vụ duy trì phong tục và tôn giáo của thần dân họ".

Mục tiêu thứ hai được thúc đẩy vì một số quan chức Công ty lo ngại họ sẽ bị cho là kẻ thống trị ngoại bang. Họ lập luận rằng Công ty nên cố gắng thu phục thần dân của mình bằng cách vượt xa những người cai trị trước đó trong việc ủng hộ việc học tập kiến thức bản địa. Do niềm tin này, Trường Phạn ngữ Benares được thành lập tại Varanasi vào năm 1791. Việc thúc đẩy kiến thức về Châu Á giúp thu hút các học giả đến phục vụ cho Công ty. William Jones thành lập Hiệp hội Asiatick tại Calcutta vào năm 1784, không lâu sau ông thúc đẩy luận án nổi tiếng về nguồn gốc chung của ngữ hệ Ấn-Âu.

Mục tiêu thứ ba xuất phát từ triết lý đương thời của một số quan chức Công ty là họ sẽ trở thành những nhà quản trị tốt hơn nếu thông thạo hơn về ngôn ngữ và văn hóa của Ấn Độ. Kết quả là thành lập Trường Fort William tại Calcutta vào năm 1800. Trường này về sau đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngôn ngữ Ấn Độ hiện đạiPhục hưng Bengal. Những người ủng hộ các mục tiêu này được gọi là "người theo chủ nghĩa Đông phương". Nhiều quan chức hàng đầu của Công ty như Thomas MunroMountstuart Elphinstone chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa Đông phương, và cảm thấy rằng chính phủ của Công ty nên đáp ứng những kỳ vọng của người Ấn Độ. Chủ nghĩa Đông phương chiếm ưu thế trong chính sách giáo dục cho đến thập niên 1820, được phản ánh trong việc thành lập Trường Phạn ngữ Poona tại Pune vào năm 1821 và Trường Phạn ngữ Calcutta vào năm 1824.

Tuy nhiên, những người ủng hộ "Anh học" (Anglicist) nhanh chóng phản đối những người theo chủ nghĩa Đông phương. Những người Anh học ủng hộ việc giảng dạy bằng tiếng Anh để truyền đạt cho người Ấn Độ những điều mà họ cho là kiến thức phương Tây hiện đại. Những người phúc âm nổi bật trong nhóm này, sau năm 1813 thì họ quan tâm đến truyền bá niềm tin Cơ đốc; họ cũng tin vào việc sử dụng thần học để thúc đẩy cải cách xã hội tự do, chẳng hạn như bãi bỏ chế độ nô lệ. Chủ tịch Công ty Đông Ấn Charles Grant hỗ trợ nền giáo dục do nhà nước tài trợ tại Ấn Độ sớm hơn 20 năm trước khi một hệ thống tương tự được thiết lập tại Anh. Trong số những người bạn phúc âm thân thiết của Grant, có William Wilberforce theo chủ nghĩa bãi nô, và Toàn quyền Ấn Độ John Shore. Trong thời kỳ này, nhiều nhà truyền giáo Trưởng lão Scotland cũng hỗ trợ nhà cầm quyền Anh truyền bá giáo dục kiểu Anh, và thành lập nhiều trường danh tiếng như Trường Giáo hội Scotland (1830), Trường Wilson (1832 ), Trường Cơ đốc Madras (1837), và Trường Elphinstone (1856).

Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa vị lợi cũng chủ trương Anh học, dẫn đầu là James Mill. Ông bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách của Công ty. Những người theo chủ nghĩa vị lợi tin vào giá trị đạo đức của nền giáo dục giúp ích cho xã hội, và của việc thúc đẩy giảng dạy các "kiến thức hữu ích". Những giảng dạy "hữu ích" này giúp người Ấn Độ trở nên phù hợp hơn với bộ máy quan liêu đang phát triển của Công ty. Đến đầu thập niên 1830, những người chủ trương Anh học đã chiếm thế thượng phong trong việc hoạch định chính sách giáo dục tại Ấn Độ. Nhiều ý tưởng vị lợi được áp dụng trong Biên bản về Giáo dục Ấn Độ của Thomas Babbington Macaulay vào năm 1835, có ảnh hưởng đến chính sách giáo dục tại Ấn Độ trong thế kỷ tiếp theo.

Do tiếng Anh ngày càng được sử dụng làm ngôn ngữ giảng dạy, đến năm 1837 thì tiếng Ba Tư bị bãi bỏ địa vị ngôn ngữ chính thức trong cơ quan hành chính và tòa án của Công ty. Tuy nhiên, giáo dục song ngữ cũng trở nên phổ biến, và một số tổ chức như Trường Phạn ngữ Poona bắt đầu dạy cả tiếng Phạn và tiếng Anh. Con trai của Charles Grant là Thống đốc tỉnh Bombay Robert Grant có ảnh hưởng trong việc lập kế hoạch thành lập Trường Y tế Grant vào năm 1845. Vào năm 1852–1853, một số công dân Bombay gửi kiến nghị tới Quốc hội Anh để ủng hộ thành lập và tài trợ thích đáng cho giáo dục đại học tại Ấn Độ. Trước các kiến nghị này, quan chức đứng đầu về sự vụ Ấn Độ trong chính phủ Anh là Charles Wood gửi Bản thông báo Giáo dục 1854 tới Toàn quyền Ấn Độ Huân tước Dalhousie. Bản thông báo phác thảo kế hoạch rộng lớn về giáo dục do nhà nước tài trợ tại Ấn Độ, bao gồm:[83]

  1. Thành lập Sở Giảng dạy công cộng tại mỗi tỉnh của Ấn Độ thuộc Anh.
  2. Thành lập các trường đại học theo mô hình Đại học London (gồm nhiều trường liên kết) tại mỗi đô thị thủ phủ tỉnh (tức Madras, Bombay, và Calcutta)
  3. Thành lập các trường đào tạo giáo viên cho các cấp học
  4. Duy trì các trường cao đẳng và trung học hiện có của Chính phủ, và tăng số lượng của chúng khi cần thiết.
  5. Tăng mạnh số trường học bằng tiếng bản địa ở cấp tiểu học tại các làng.
  6. Thực thi hệ thống trợ cấp cho các trường tư thục.

Sở Giảng dạy công cộng (Department of Public Instruction) được thành lập vào năm 1855. Đại học Calcutta được thành lập vào tháng 1 năm 1857, tiếp theo là Đại học Bombay vào tháng 6 năm 1857, và Đại học Madras vào tháng 9 năm 1857. Đại học Bombay bao gồm ba tổ chức trực thuộc: Tổ chức Elphinstone, Trường Y tế Grant và Trường Phạn ngữ Poona. Chính quyền của Công ty cũng thành lập hàng loạt trường trung học tại các tỉnh, và chính sách này tiếp tục trong thời kỳ Quân chủ cai trị từ năm 1858. Đến năm 1861, có 230.000 học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục công tại bốn tỉnh (gồm tỉnh Tây-Bắc), trong đó có 200.000 học sinh tiểu học.[84] Hơn 5.000 trường tiểu học và 142 trường trung học được thành lập trong các tỉnh này.[84] Trong khởi nghĩa Ấn Độ năm 1857, một số nhà lãnh đạo dân sự như Khan Bhadur Khan của Bareilly nhấn mạnh rằng chương trình giáo dục mới của Công ty đe dọa đến tôn giáo của dân chúng; tuy nhiên, số liệu thống kê lịch sử chỉ ra rằng điều này thường không xảy ra. Ví dụ, trong huyện Etawah thuộc tỉnh Tây-Bắc lúc bấy giờ (Uttar Pradesh), trong giai đoạn 1855–1857, Công ty cho mở gần 200 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, dựa vào thuế từ người dân, tình hình tương đối yên tĩnh và các trường học vẫn mở cửa trong cuộc khởi nghĩa.[85]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Công ty Đông Ấn cai trị Ấn Độ https://books.google.com/books?id=o9sCEAAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=52aicl9l7rwC&pg=... https://books.google.com/books?id=d_J5DwAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=8bqEzPPp8xIC&pg=... https://books.google.com/books?id=DJgnebGbAB8C&pg=... https://books.google.com/books?id=uzOmy2y0Zh4C&dq=... https://web.archive.org/web/20210501082716/https:/... https://web.archive.org/web/20191219213715/https:/... http://www.wolframalpha.com/entities/historical_ev... http://www.wdl.org/en/item/393/